Lời nói đầu
“Vua Hàm Nghi” tên người gọi rất thân kính. Hiện nay ở tp Hồ Chí Minh có đại lộ Hàm Nghi chạy song song với đại lộ Nguyễn Huệ ngay giữa lòng thành phố. Thành phố Huế và nhiều thành phố khác cũng có đường Hàm Nghi. ở Huế còn có trường Hàm Nghi (trước kia đặt ngay tại cở sở cũ của trường Quốc Tử Giám cuối triều Nguyễn, ngày nay chuyển về đường Thái Phiên) đã sản sinh ra nhiều thế hệ ưu tú cho đất nước.

Các khuynh hướng chính trị tả, hữu, nội, ngoại gì cũng đều quý trọng vua Hàm Nghi. Thế nhưng cho đến nay sự hiểu biết về vua Hàm Nghi của người Việt chúng ta còn rất sơ sài, nhiều thông tin sai lạc, nhất là thời kỳ ông bị lưu đày và qua đời ở nơi xứ người. Người không biết viết sai về vua Hàm Nghi còn có thể hiểu được, điều đáng trách là có người lợi dụng sự thiếu thông tin về vua Hàm Nghi đặt ra bao nhiêu chuyện không có thật để viết báo, viết sách vừa thu lợi vừa gắn đời mình với ông vua yêu nước để họ trở thành những nhân chứng lịch sử quan trọng. Người đọc vốn yêu quý vua Hàm Nghi nên không nghĩ mình đã bị lừa, nếu tình hình này kéo dài thì giả dần dần sẻ bị biến thành thật, giới sử học sẻ mang tội với lịch sử.
Do đó nhân sắp đến ngày giỗ lần thứ 70 của vua Hàm Nghi (14/1/1944 – 14/1/2014), tôi bổ sung tài liệu, hình ảnh cho cuốn sách nhỏ “vua Hàm Nghi một tâm hồn việt ở chốn lưu đày” với hy vọng góp thêm một ít thông tin, phản biện một số bài viết thiếu khoa học, góp phần khắc phục một phần thiếu thông tin lịch sử về vua Hàm Nghi hiện nay
Nguyễn Đắc Xuân