• Trang chủ
  • Giới Thiệu
  • Sự Kiện Lịch Sử
  • Hình Ảnh Lịch Sử
  • Nhân Vật Lịch Sử
  • Địa Danh Lịch Sử
  • Liên hệ

Lịch Sử Việt Nam

Hình ảnh - Sự kiện - Nhân vật lịch sử

  • Nhà Nguyễn
    • Vua nhà Nguyễn
    • Lăng Tẩm Nhà Nguyễn
You are here: Home / Sự Kiện Lịch Sử / Tây Sơn ngũ thần mã, vó ngựa tung trời

Tây Sơn ngũ thần mã, vó ngựa tung trời

10/06/2016 by Lịch Sử Việt Nam

Triều đại Tây Sơn tuy tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng đã để lại những dấu ấn hào hùng. Một vương triều với tinh thần thượng võ, nổi tiếng với tướng giỏi, thần khí. Sóng đôi cùng đội tượng quân (độ quân voi) uy dũng của bà Bùi Thị Xuân, người ta còn ấn tượng mạnh mẽ với Tây Sơn ngũ thần mã. Ngồi trên lưng của những chiến mã này, các tướng sĩ Tây Sơn đã lập nên bao thắng lợi vang lừng. Chúng ta hãy cùng điểm tên những thần mã kiêu hãnh này!

tay-son-ngu-ma
Tây Sơn Ngũ Mã

Mục Lục

  • 1  Bạch Long
  • 2 Xích kỳ
  • 3 Ô Du
  • 4 Ngân Câu
  • 5 Hồng Lư
    • 5.1 xem thêm
    • 5.2 Bình Luận

 Bạch Long

Đây là ngựa của Nguyễn Nhạc sau này là Thái Đức Hoàng đế. Bạch Long thuộc giống ngựa rừng trên núi Hiển Hách (còn có tên Hảnh Hót) ở miền An Khê. Bạch Long đáng được xếp vào hàng “tuấn mã”: Lông trắng như tuyết, bờm và đuôi lông dài, mượt như tơ. Với bốn chân cao dỏng, ngựa chạy nhanh và lẹ làng như gió  bay, cảnh tượng này nếu nhìn từ phía xa chẳng khác gì một làn mây trắng vút trong gió. Người dân tộc thiểu số gọi là ngựa nhà trời. Khi Nguyễn Nhạc lên An Khê thuyết phục các tộc người thiểu số theo mình khởi nghĩa, họ ra điều kiện nếu ông bắt được ngựa, thì sẽ đi theo và tận tâm cho nghiệp lớn.

Bằng vốn kinh nghiệm từ việc học nuôi ngựa ở thôn Bằng Châu và lui tới nơi rừng sâu buôn trầu với người dân tộc thiểu số, nên Nguyễn Nhạc đã dùng mưu lấy ngựa cái dụ ngựa rừng.

Ông lùng mua một số ngựa cái tơ thật đẹp. Sau khi huấn luyện kĩ càng, hễ nghe tiếng hú thì chạy đến, Nguyễn Nhạc thả bầy ngựa này lên núi Hảnh Hót để làm quen với ngựa rừng. Hễ ngựa đồng chạy về thì ngựa rừng cũng chạy theo. Nhưng vừa thấy bóng người bèn quay đầu chạy trở lui. Nguyễn Nhạc bỏ cỏ tươi cho ngựa rồi trở về. Ngựa rừng trở lại ăn cỏ chung với ngựa nhà. Hôm sau Nguyễn Nhạc ở lại vuốt ve bầy ngựa nhà. Ngựa rừng đứng xa trông chừng. Dần dần thấy người cùng ngựa quen thân, ngựa rừng lần lượt nối đuôi lại ăn cỏ nhưng vẫn còn cảnh giác. Dần dà, chúng ăn cỏ chung với ngựa nhà và để Nguyễn Nhạc vuốt ve. Trong số đó con ngựa trắng là cứng đầu nhất nhưng cuối cùng vẫn bị thu phục. Với chiêu bài này, Nguyễn Nhạc thuần hóa ngựa thành công. Kết quả là người dân tộc thiểu số tại vùng An Khê đã tham gia khởi nghĩa.

Trong số các chú ngựa được thuần dưỡng, Nguyễn Nhạc chọn con ngựa trắng được mang tên là Bạch Long Câu. Nguyễn Nhạc mang theo con tuấn mã này chinh chiến khắp các mặt trận.

Năm 1793, khi chủ nhân qua đời, Bạch Long Câu ban đêm vượt tàu ngựa chạy thẳng một mạch về núi Hảnh Hót. Từ đó rừng núi Hảnh Hót đêm đêm vang tiếng ngựa thần hí lên nhớ người chúa năm nào. Cũng từ độ ấy, dân trong vùng không còn ai dám nuôi ngựa trắng nữa.

Xích kỳ

Ở Trung Hoa thời Tam quốc, Lữ Bố rồi cuối cùng là Quan Vân Trường đã cùng ngựa Xích Thố lập nên nhiều kì tích. Vào thế kỉ XVIII, ở đất Việt xuất hiện ngựa Xích kỳ của tướng quân Nguyễn Văn Tuyết.

Ngựa có lông đỏ tía, kỳ và lông đuôi dài màu đen huyền. Đây vốn là dòng ngựa từ Bắc quốc, ngày đi vạn dặm không đổ mồ hôi, chạy nhanh như gió. Xích Kỳ vốn của chúa Nguyễn Phúc Khoát được nước Cao Miên (Campuchia) tặng làm cống vật. Chúa Nguyễn rất yêu thích nhưng trong chuyến tuần du phương Nam, đến Quy Nhơn thì bị Nguyễn Văn Tuyết vào chuồng cướp mất. Một mình một ngựa, Tuyết đang đêm phi thẳng lên Kiên Mỹ phò tá Nguyễn Nhạc, ghi nhiều công lớn.

Năm 1788, trên lưng Xích Kỳ, từ Thăng Long xa xôi, Nguyễn Văn Tuyết vẫn kịp về Phú Xuân cấp báo tình hình quân Thanh tràn vào kinh thành.

Năm 1802, thành Thăng Long bị tấn công, Đại Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng vợ hộ giá vua Bửu Hưng cùng cung quyến qua sông Nhị Hà lên phương Bắc. Đến Xương Giang bị vây. Như hai người bằng hữu vào sinh ra tử, Xích Kỳ cùng với Đô Đốc Tuyết xông pha giữa muôn quân rồi cùng trúng đạn tử trận.

Ô Du

Đây là chiến mã của tướng Đặng Xuân Phong, thuộc loại “Ngựa Ô Quạ” nên mang tên Ô Du (Con Quạ rong chơi). Bộ lông đen như gỗ mun, bốn chân thon nhỏ như chân nai; trong khi đó lại có hình dạng và bộ đi giống như cọp. Sở trường của Ô du là leo núi và vượt qua những ghềnh núi đá nhấp nhô. Khi chạy trên núi cao thì tài nghệ mới được hiển lộ hết, người cưỡi có cảm giác đi trên đất phẳng. Trong lần đầu xuất trận, nhờ Ô Du mà Đặng Xuân Phong chiếm được Thăng Bình và Điện Bàn, sau đó đuổi giết được hai tướng của chúa Nguyễn là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân.

Sau khi Nguyễn Bảo, con vua Thái Đức bị giết, Đặng Xuân Phong liền cáo quan về quê rồi bỏ đi nơi khác. Ô Du cũng từ đó biệt tích theo chủ.

Ngân Câu

Nữ tướng Bùi Thị Xuân là người ưa cưỡi ngựa nên không lạ gì khi bà sở hữu thần mã Ngân Câu – Huyết hãn mã (tên tục là Kim). Ngựa lông toàn sắc trắng, vóc to, sức mạnh phi thường, có khả năng đặc biệt là đi trong đêm tối. Dù trên đường đi có hầm hố, trở ngại, ngựa vẫn phi nước đại như ban ngày trên đường trường. Tương truyền dưới chân ngựa có mắt sáng nhìn xuyên thấu màn đêm. Nhờ biệt tài độc nhất vô nhị này mà Ngân Câu đã phi nhanh trong trận phục kích Rạch Gầm, làm cho tướng Xiêm – Lục Côn không kịp trở tay, đã bị nữ tướng Bùi Thị Xuân chém bay đầu một cách dễ dàng. Trong trận Đâu Mâu cũng nhờ con Ngân Câu mà Bùi Thị Xuân đã cứu mạng vua Bửu Hưng…

Khi thành Quy Nhơn bị cô lập, Thiếu phó Trần Quang Diệu (chồng tướng Xuân) phải bỏ Quy Nhơn để rút ta Bắc. Do nhiều yếu tố nên ông bị suy kiệt và  mất khả năng chiến đấu, bị bắt sống tại Hương Sơn. Bùi Thị Xuân ở Diễn Châu nghe tin dữ, giục Ngân Câu vượt đường dài trạm chán quân đang áp giải Quang Diệu và Văn Dũng. Lao vào vòng vây, bà cứu được chồng, hai người chung ngựa chạy về Thanh Hóa. Nhưng đến sông Thành Chương thì Ngân Câu bị thương và hy sinh. Phu phụ Trần Quang Diệu và  Bùi Thị Xuân bị bắt và chịu hành hình.

Hồng Lư

Hay còn gọi là Huyết hãn bảo câu, thần mã dưới trướng tướng quân Lý Văn Bưu. Lông ngựa là sắc nâu – hồng ánh vàng, và mang dị tướng: Đầu giống đầu lừa, mình ốm o như đói cỏ, bốn chân cao lỏng chỏng như chân nai. Nói đến tính nết thì Hồng Lư được xếp vào dạng “ương” và “hoang”, đi, chạy hay nghỉ đều rất tùy ý. Ngoài Lý Văn Bưu, không ai có thể điều khiển được Hồng Lư. Cách điều khiển ngựa cũng khác lạ, Lý tướng quân không bao giờ dùng yên cương. Ông sử dụng đôi chân, bắp vế, ống chân, thậm chí là gót chân, giống cách dân da đỏ ở Châu Mỹ ra lệnh cho ngựa.

Ưu điểm của giống ngựa này là sự bền bỉ và tinh nhanh. Khi lâm trận không cần chủ điều khiển , ngựa tự biết tiến lui theo ý chủ. Chỉ một nhịp nhẹ của đôi chân Hồng Lư biết lao như tên bắn, bay theo quân địch đang tìm đường trốn chạy. Hồng Lư biết vượt qua chướng ngại vật để chặn đầu ngựa địch, để cho chủ xử lý địch thủ một cách gọn gàng.

Trừ các con thần mã kể trên thì những con ngựa khác đều khiếp sợ Hồng Lư. Chỉ cần một tiếng hí của Hồng Lư, các con ngựa xung quanh đều cụp tai, cúp đuôi hoặc lồng lên cắm đầu bỏ chạy. Với sự giúp sức của Hồng Lư mà chủ nhân đã tổ chức được một đoàn kỵ mã cho nhà Tây Sơn. Cũng nhờ sự góp mặt của Hồng Lư trong đoàn kỵ mã, đoàn ngựa chẳng những không khiếp sợ đội quân voi của bà Bùi Thị Xuân mà còn phối hợp ăn ý trước kẻ địch.

Hồng Lư luôn luôn xông pha cùng Lý Văn Bưu trong mọi cuộc chiến. Trong chiến thắng đánh tan 29 vạn quân Thanh, Hồng Lư cũng được tham gia trận đánh ở Nhân Mục Thanh Trì và đồn Khương Thượng.

Khi Cảnh Thịnh lên ngôi, Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, triều chính Tây Sơn đổ nát thì Lý Văn Bưu cũng từ giã quan trường và binh nghiệp. Hồng Lư theo ông trở về với cuộc sống thiên nhiên.

Có thể nói Tây Sơn ngũ thần mã chẳng những uy dũng xuất chúng mà còn là những con vật trung thành. Chúng đều được vinh danh trong cuốn Tây Sơn nhân vật chí của Đinh Sĩ An, một nhân vật nổi tiếng về văn học, từng được bổ làm việc ở Nội các vua Quang Trung. Không những thế, sau khi nhà Tây Sơn diệt vong, chúng vẫn được người Bình Định tưởng nhớ và tôn thờ như linh thú.

Tây Sơn ngũ thần mã, vó ngựa tung trời
4 (80%) 4 votes

xem thêm

  • Tình sử vua Duy Tân, đãi cát tìm người trong mộng
  • Vua Hàm Nghi một tâm hồn việt ở chốn lưu đày (phần 7)
  • Cung Nam Phương Hoàng Hậu (dinh Nguyễn Hữu Hào)
  • Long mạch của vương triều Tây Sơn
  • Đức Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái Hậu)
  • Hồ Thị Chỉ và duyên tình trái ngang với 2 vị vua Nguyễn
  • Bốn người đẹp chết thảm dưới thời vua chúa Nguyễn
  • Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng)
  • Vua Hàm Nghi một tâm hồn việt ở chốn lưu đày (Phần 1)
  • Hậu cung vua Gia Long
  • Vua Hàm Nghi một tâm hồn việt ở chốn lưu đày (phần 6)
  • Vua Bảo Đại Thoái Vị

Bình Luận

Bình Luận

Filed Under: Sự Kiện Lịch Sử

Tìm Kiếm

Các Triều Đại Phong Kiến Việt Nam

  • TRIỀU ĐẠI NHÀ NGUYỄN

Lãnh Thổ Việt Nam Qua Các Thời Kỳ

ban-do-lanh-tho-viet-nam-qua-cac-thoi-ky72

Bài Viết Mới

  • Lăng Thiệu Trị (Xương Lăng)
  • Tình sử vua Duy Tân, đãi cát tìm người trong mộng
  • Vua Duy Tân (Nguyễn Phúc Vĩnh San)
  • Trang phục hoàng gia nhà Nguyễn
  • Bát Trân xưa, 8 món ăn quý nhất của người Việt
  • Thịt Dê và ẩm thực cung đình nhà Nguyễn
  • Con số 13 bí ẩn gắn liền với cuộc đời vua Bảo Đại
  • Cuộc đời thứ phi Mộng Điệp qua ảnh
  • Mộng Điệp thứ phi của vua Bảo Đại
  • Số phận đao phủ khét tiếng thời Nguyễn
Website: www.lichsunuocvietnam.com ra đời với mong muốn giúp mọi người thêm yêu mến và hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc Việt Nam. Mọi ý kiến đóng góp của độc giả, xin gửi về địa chỉ email sau: lichsunuocvietnam.com@gmail.com
  • Giới Thiệu
  • Liên hệ
  • Chính sách bảo mật
DMCA.com Protection Status

© Copyright 2016 Lịch Sử Việt Nam