Cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX là thời kì phát triển rực rỡ của thơ văn Việt Nam. Trong giai đoạn này, dưới vương triều Nguyễn đã xuất hiện các nhà thơ thi sĩ như Thiệu Trị và đặc biệt là Tự Đức. Không dừng lại ở đó, từ trong Hoàng tộc cũng xuất hiện 3 nàng công chúa xinh đẹp với tài thơ phú xuất chúng. Họ là chị em máu mủ, cành vàng lá ngọc của Hoàng đế Minh Mạng và bà Thục Tần Nguyễn Thị Bửu, góp thành bộ “Tam Khanh” của Nguyễn triều

Mục Lục
Ba nàng công chúa của Vua Minh Mạng
Chị cả Nguyệt Đình
Nguyệt Đình tức Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, sinh năm 1824, tên tự Trọng Khanh, công chúa thứ 18 của vua Minh Mạng. Nàng ở trong cung cho tới năm 1849 thì theo mẹ cùng hai cô em gái chuyển ra Tiêu Viên tại phủ của người anh là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm – vị Hoàng tử thứ 10, và cũng là thi nhân danh tiếng lúc bấy giờ.
Thiên bẩm thông minh, lại nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình từ người anh, Nguyệt Đình nhanh chóng hiển lộ khả năng thơ ca của bản thân.
Năm 1850, Nguyệt Đình nên duyên với Phạm Đăng Thuật, con trai Phạm Đăng Hưng, em bà Phạm Thị Hằng, tức Thái hậu Từ Dụ sau này. Theo Đại Nam liệt truyện, Phạm Đăng Hưng là người “khiêm tốn giữ gìn, không ưa xa xỉ, duy chỉ thích sách vở mà thôi”. Vì cùng sở hữu năng khiếu nghệ thuật nên quan hệ phu thê chồng rất hòa hợp. Không may, cô con gái Uyển La, cũng là giọt máu duy nhất lại mắc bệnh mà qua đời sớm.
Vào tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà. Năm 1861, chồng bà được lệnh của triều đình vào Nam Bộ, ông đã hy sinh trong chuyến đi này. Trước nỗi đau mất chồng này, Nguyệt Đình quyết tâm ở vậy và nhận nuôi người cháu là Phạm Đăng Tiến để lo việc hương hỏa về sau, nhưng Phạm Đăng Tiến là kẻ vô đức nên bị bà từ. Bà dựng từ đường riêng ở trước mộ chồng.
Nguyệt Đình qua đời năm 1892, vào thời vua Thành Thái, được táng chung một chỗ với phu quân.
Về nghiệp sáng tác, Nguyệt Đình nổi tiếng với bản thảo thơ mang tên Nguyệt Đình thi thảo, tiếc thay chưa được in ấn và hiện nay đã thất lạc toàn bộ.
Mai Am công chúa
Bà sinh năm 1826, tên thật là Nguyễn Phúc Trinh Thận, tự Thúc Khanh, Nữ Chi, hiệu Diệu Liên, bút danh Mai Am, được phong làm Lại Đức công chúa. Bà cũng là hoàng nữ thứ 25 của vua Minh Mạng. Trong 3 chị em, Mai Am đứng ở vị trí nổi bật nhất. Bà chính là người lập nên Thỉnh Nguyệt Đình, nơi bà đích thân chủ trì những hội thơ, cùng sự góp mặt của vô số danh sĩ xứ kinh đô. Phần đa những sáng tác của Mai Am tập trung trong tập thơ chữ Hán mang tên Diệu Liên thi tập hay Lại Đức công chúa Diệu Liên tập, gồm 370 bài, tới nay vẫn được lưu giữ. Thơ của bà thể một tấm lòng nhân hậu trước cảnh lao động vất vả của những người thường dân áo vải, chân lấm tay bùn (Nông phu từ), cảm thương những người tử trận vì quốc gia (Đọc điếu nghĩa dân trận tử văn), hay tinh thần yêu nước sâu sắc…
Tuy nhiên, trong đời tư thì bà bất hạnh hơn cả. Năm 1850, bà cùng với hiệu úy Thân Trọng Di thành thân. Thân Trọng Di là cháu nội đại thần Thân Văn Quyền. Người đời cảm tưởng họ phải giả vờ hạnh phúc bởi 2 vợ chồng không thực sự tâm đầu ý hợp.
Đến năm 1863, bà mới sinh quý tử đầu lòng tức Thân Trọng Mậu. Thương thay, bi kịch của người chị Nguyệt Đình đã lặp lại với Mai Am. Người con độc tử độc tôn của bà bị bệnh chết vào lúc chưa tròn 5 tuổi. Mẫu tử tình thâm, bà viết nên 15 bài thơ dành cho con.
Năm 1885, sau vụ biến kinh thành Huế, Thân Trọng Di phò tá vua Hàm Nghi ra Tân Sở, Quảng Trị và mất tích trong rừng trước một cuộc tấn công của quân thù, vĩnh viễn không tìm thấy xác. Mai Am tiếp tục viết 15 bài thơ tiễn đưa trượng phu, được khắc ở ngôi mộ giả của ông. Đến năm 1904 bà tạ thế, thọ 79 tuổi.

Em út Tĩnh Hòa công chúa
Cô em gái nhỏ nhất trong Tam Khanh tên thật là Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa sinh năm 1830. Bà có tự Quý Khanh, Dưỡng Chi, hiệu Huệ Phố, biệt hiệu Thường Sơn, là con gái thứ 34 của Hoàng đế Minh Mạng.
Bà vốn là người con gái dịu hiền, trí tuệ sáng láng, bà mau thông làu kinh sử, thi ca cũng như âm nhạc.
Năm 1853, bà được gả cho Đặng Huy Cát, đây là vị phò mã xuất thân trong dòng tộc nhiều đời nổi tiếng thi thư lễ nghĩa. Với hoàn cảnh như vậy nên cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng rất êm ấm. Cũng giống như hai người chị, đường con cái của Tĩnh Hòa không hề thuận lợi. Bà có 4 người con thì 3 người đoản mệnh. Người con duy nhất sống sót là Đặng Hữu Phổ thi đỗ Cử nhân, giữ chức Thị độc Nội các.
Khi Tôn Thất Thuyết dấy binh kháng Pháp, chồng và con bà đã đầu quân vào lực lượng khởi nghĩa. Trong một cuộc tấn công thực dân tại Quảng Điền (Huế) năm 1885, hai cha con đều bị bắt. Đặng Hữu Phổ bị xử tội chết ngay trong năm đó, về phần Đặng Huy Cát chịu cảnh tù đày. Tuy nhiên, bà đã qua đời từ 3 năm trước đó (1882) nên không phải chịu nỗi tang thương này.
Tác phẩm duy nhất của Tĩnh Hòa công chúa là Huệ Phố thi tập. Tập thơ này có bốn quyển, gồm 216 bài thơ chữ Hán, được bà khởi bút vào năm 1845 và tiếp nối tới năm tháng tận cùng.
Có thể nói cuộc đời của ba nữ công chúa, ba nhà thơ hoàng gia này đều có điểm chung là sự bất hạnh, đặc biệt là nỗi đau mất chồng con. Trăm năm trong cõi nhân sinh, chữ tài, chữ sắc khéo lại thương thay…