
Từ một miền đất hoang vu, Sài Gòn đã trở thành một thành phố năng động, hiện đại, đầy cởi mở với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển. Cái tên Sài Gòn thân thương nhưng cũng gây nhiều tranh luận vì chưa có tiếng nói chung trong quan điểm lí giải hai chữ “Sài Gòn”. Không chỉ con dân đất Việt, ngay từ đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp cũng có tham vọng tìm hiểu nguồn gốc địa danh Sài Gòn. Vậy chúng ta có thể hiểu “tên gọi Sài Gòn” với nghĩa như nào? Dưới đây là 3 cách lí giải được xem như hợp lí và khoa học nhất!
Mục Lục
3 cách lí giải nguồn gốc tên gọi Sài Gòn
Thị trấn giữa rừng
Lúc đầu đây là giả thuyết bị loại trừ cao nhất về mặt ngữ âm nhưng hiện nay lại được đông đảo học giả chấp thuận.
Căn cứ theo triết tự Hán Nôm, từ “Sài” nghĩa “củi” và “Gòn” chỉ “cây bông gòn”, hội ý với nhau ta được nghĩa “củi gòn” (trích theo quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của).
Dựa trên cơ cở này, trong giáo trình “Địa lý Nam Kỳ” tự mình biên soạn, học giả Trương Vĩnh Ký cho rằng tên gọi Sài Gòn được phiên âm từ “Prei Nokor” của người Khmer. Theo đó, “Prei” mang nghĩa “rừng”, còn “Nokor” là “thị trấn”. Ghép lại “Prei Nokor” nghĩa là một “thị trấn ở trong rừng”. Dần dà, trong quá trình sử dụng ngôn ngừ, các từ đã bị biến đổi âm, cụ thể từ “Prei” thành “Rai” rồi thành “Sài”. Từ “Nokor” đọc lướt thành “Kor” và từ “Kor” thành ra “Gòn”.
Tương tự như vậy có nhiều địa danh Việt – Miên ở Nam Kỳ được phiên âm như Cần Giờ là từ “Kanco”, Cần Giuộc là “Kantuộc”, Gò Vấp là “Kompăp”…

Vùng đất ăn nên làm ra
Cách giải nghĩa này khá phù hợp với bộ mặt kinh tế của Sài Gòn xuyên suốt quá trình lịch sử. Nhà văn Vương Hồng Sển là một trong những người phản đối cách lí giải đầu tiên. Ông đã công phu tra cứu hàng loạt sách báo Pháp lẫn Việt cộng thêm thu thập dữ liệu từ dân gian nên đưa ra cách lí giải khác.
Theo học giả này, năm 1773, khi người Hoa từ Cù Lao Phố di tản về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay, họ nhận ra đây là mảnh đất lành cho việc làm ăn, cần được củng cố cho thật bền vững. Người Hoa cho đắp thêm bờ kinh cao ráo và kiên cố hơn, và gọi vùng đất này là “Tai-Ngon” hay “Tin-Gan” mà theo Hán Việt là Đề Ngạn.
Nếu phát âm theo giọng Quảng Đông thì “Đề Ngạn” nghe giống như là “Thầy Ngồn” hay “Thì Ngòn”. Trên phân tích này, khởi nguồn của Sài Gòn la từ âm này mà ra!
Tuy nhiên giả thuyết này lại bị phản biện qua dòng trích dẫn từ Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn viết năm 1776. Trong tác phẩm có đoạn “năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn”… Đây cũng là lần đầu tiên hai từ “Sài Gòn” xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Điều này chứng tỏ từ “Sài Gòn” có trước thời điểm người Hoa đến Chợ Lớn và cách giải thích của Vương Hồng Sển không thực sự thuyết phục.

Tây Cống (Cống phẩm của phía Tây)
Khác với các học giả Việt Nam, giới nghiên cứu người Pháp, trong đó có Louis Malleret cho rằng Sài Gòn có nguồn gốc từ tiếng “Tai – ngon” hay “Ti – ngan” – nghĩa là cống phẩm của phía tây (Tây Cống). Theo họ, sau khi bị quân Tây Sơn phá hoại mảnh đất sống Cù Lao Phố, người Hoa đã lập nên thành phố Chợ Lớn vào năm 1778, phát âm theo tiếng Hoa là “Tai – ngon” (Ti – ngan). Ông Malleret đưa ra thuyết này dựa vào dữ kiện lịch sử do Trịnh Hoài Ðức chép lại. Khi Campuchia bị phân ra cho hai nhà nước thì cả hai vua đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor.
Tuy nhiên, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng “Tây Cống” chỉ là cách dùng từ của người Hoa sau này. Ngày trước vùng Chợ Lớn được gọi là Sài Gòn nhưng khi người Pháp chiếm các tỉnh Đông Nam bộ đã gọi vùng Bến Nghé là Sài Gòn vì tên Bến Nghé quá khó đọc với khẩu âm của họ.

Chỉ với ba cách lí giải trên ta có thể thấy cái tên Sài Gòn thật huyền bí, đầy hấp dẫn và thách thức các nhà khoa học! Hai tiếng “Sài Gòn” vẫn còn là ẩn số và chờ được giải đáp một cách khoa học nhất!