Đức Từ Cung hay Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (sinh 27 – 1 – 1890 mất 9 – 11 – 1980) bà là thiếp của vua Khải Định và là mẹ Vua Bảo Đại vừa là Hoàng Thái hậu vừa là mẫu thân của Hoàng đế cuối cùng triều đại nhà Nguyễn

Mục Lục
Xuất thân
Từ Cung Thái hậu sinh năm 1890, tên thật là Hoàng Thị Cúc. Bà Cúc là người thuộc dòng họ Hoàng Văn, ở làng Mỹ Lợi, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, vốn có truyền thống đỗ đạt và làm quan to. Dù cha bà là ông Hoàng Văn Tích giữ chức Tri huyện nhưng gia cảnh lại khó khăn. Căn cứ theo gia phả của họ Hoàng Văn, khi bà La Thị Huân – vợ ông Tích hạ sinh cô con gái Hoàng Thị Như, bà La Thị Sơn đã được em rể Tích đón đến phụ giúp việc nhà. Oái oăm thay, chị vợ và em rể lại bén lửa tình, kết quả của mối tình vụng trộm này là bà Hoàng Thị Cúc. Hổ thẹn trước em gái, bà Sơn đã để con gái cho ngài Tri huyện nuôi, còn mình thì về quê, rồi kết hôn với một người đàn ông khác. Ông Tích qua đời sớm, anh trai cả Hoàng Trọng Khanh đã nhận nhiệm vụ nuôi dưỡng các em. Với bản tính ham mê cờ bạc, ông Khanh đã bán các em gái cho những nơi quyền quý. Bà Hoàng Thị Cúc đã nhập cung làm nữ hầu cho hai bà Thánh Cung và Tiên Cung – vợ góa của vua Đồng Khánh.
Vận đổi đến chóng mặt
Với vẻ đẹp sắc sảo, cung nữ Hoàng Cúc đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Hoàng tử Bửu Đảo, con trai cả của bà Tiên Cung, lúc bấy giờ đang nhậm chức Phụng Hóa Công. Dù kết hôn với con gái của đại quan đầu triều Trương Như Cương đã lâu nhưng lại không có con. Nhân một lần vào vấn an mẹ, Hoàng tử Bửu Đảo đã ân ái với Hoàng Thị Cúc. Khi người cung nữ này mang thai, đã nhận đó là con của Phụng Hóa Công. Thế nhưng, theo một số tài liệu, cả triều đình Nguyễn lúc đó đều biết, Phụng Hóa Công vốn bất lực, không ham gần gũi đàn bà, chỉ thích đàn ông, nên việc bà Cúc khẳng định đã có thai với vị Hoàng tử gây ra làn sóng dị nghị. Trải qua bao lần bị ép cung tra khảo, thậm chí phải nằm úp bụng bầu xuống đất và chịu đòn roi, bà Hoàng Thị Cúc vẫn nhất mực nói rằng đó là con của Phụng Hóa Công. Năm 1913, bào thai trong bụng đã chính thức chào đời, được đặt tên là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Năm 1916, Phụng Hóa Công Bửu Đảo đăng cơ, lấy niên hiệu là Khải Định. Nhờ giọt máu rồng, cung nữ năm nào được phong làm Tam giai Huệ Tân và sau đó là Nhị Giai Huệ Phi vào năm 1918. Sau này, khi Vĩnh Thụy lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Bảo Đại, bà trở thành Đoan Huy Hoàng Thái Hậu nhưng người đời vẫn quen gọi là Đức Từ Cung.

Mẫu tử xa cách – Gối chăn lạnh lùng
Do xuất thân nghèo hèn nên Hoàng Thị Cúc bị mẹ chồng khinh nhờn. Sau khi bà Cúc sinh nở, Tiên Cung đón cháu về cung của mình chăm sóc, cách ly hoàng tử với mẹ đẻ. Niềm an ủi duy nhất của bà là lo xem sở thiện sẽ nấu món gì cho hoàng tử ăn và phải đảm bảo sao cho các món ăn đủ chất nhất. Vĩnh Thụy trở thành Thái tử có lẽ là niềm tự hào vô bờ của bà Cúc. Tuy nhiên, từ năm 1922, Đông cung Thái tử sang Pháp du học 10 năm, quả thực nỗi nhớ con đã dày vò bà đằng đẵng. Thêm vào đó là sự vô tâm của người chồng, với Khải Định, bà chỉ như vợ hờ, bởi nhà vua còn có bà Hồ Thị Chỉ – con gái Thượng thư Hồ Đắc Trung, được cưới làm vợ theo nghi lễ của một Hoàng hậu và được phong Nhất giai Ân phi.
Mẹ chồng – nàng dâu
Năm 1932, con trai yêu quý về nước là niềm hạnh phúc lớn lao trong người mẹ Hoàng Thị Cúc. Khi Bảo Đại ngỏ ý muốn kết hôn với Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng hậu), Đức Từ Cung tỏ ra lo ngại bởi bà Lan theo Công giáo, sẽ không hợp với các phong tục cúng tế truyền thống của Hoàng gia, nhất là lo giỗ các vua. Sự lo lắng này là hợp lí bởi bản thân bà đến tận năm tháng cuối đời, mặc cho cuộc sống khó khăn nhường nào, thậm chí phải bán dần từng món đồ trang sức, thì bà vẫn làm tròn phận sự của mình với tổ tiên nhà Nguyễn, dẫu không được long trọng như xưa. Và nỗi lo đã thành sự thật, là nguồn cơn cho sự bất đồng giữa mẹ chồng với nàng dâu. Ngược lại, tình nhân Mộng Điệp của Bảo Đại lại rất được lòng Hoàng Thái hậu bởi chăm lo chu đáo việc cúng bái tổ tiên, nên được giao áo mũ để thay mặt Nam Phương thực hiện các nghi lễ.

Tuy nhiên, khi hay tin Hoàng hậu tạ thế năm 1962, Đức Từ Cung đã vì thương xót mà khóc rất nhiều. Theo lời kể của bà Lê Thị Dinh, cung nữ trung thành nhất của Thái hậu, bà Hoàng Thị Cúc đã lo lắng mà rằng “Hoàng hậu Nam Phương mất rồi, vậy ai nuôi các hoàng tử, công chúa? Các cháu của ta sẽ sống ra sao”.
Lá rụng về cội
Dù chiến tranh ác liệt đến mấy, Từ Cung vẫn luôn bám lấy mảnh đất quê hương. Trong trận tết Mậu Thân năm 1968, bom đạn rung chuyển xứ Huế, nhiều người đi chạy nạn nhưng bà vẫn không một lần rời gót nơi đây. Tất cả những bộ trang phục của vua và bà đã từng mặc, rồi những bảo vật của cung đình, cựu Thái hậu vẫn giữ gìn và trân quý cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Tuy nhiên, bà đau lòng khôn xiết khi Bảo Đại và các hoàng tử, công chúa cũng không giữ liên lạc với mình. Sức khỏe yếu dần, bà qua đời vào tháng 11 năm 1980 trong nỗi cô đơn bởi xa cách con cháu. bà được an táng gần Ứng Lăng (Lăng Khải Định) tại xã Hương Chữ, Hương Thuỷ, Thừa Thiên-Huế. Căn nhà số 145 đường Phan Đình Phùng mà bà đã ở những ngày cuối đời hiện nay đã được tu bổ trở thành điểm tham quan cho khách du lịch.

Ở Huế khi bà qua đời không có ai đủ tư cách thừa kế gia sản cho nên ngôi nhà của bà và các hiện vật bên trong được giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý.
Sở hữu thần thái nghiêm nghị khiến nhiều người nể sợ nhưng thực chất Từ Cung là một người nhân hậu. Với tấm lòng yêu nước, gắn bó quê hương, bà vẫn luôn được yêu mến. Bước vào cấm thành với địa vị cung nữ, trở thành Hoàng thái hậu rồi lại phải rời cung với tư cách một người dân thường, sống những ngày cuối đời trong cô đơn cuộc đời bà nhiều lắm những trái ngang…