Đó là một tay giang hồ hảo hán có xuất thân quyền quý của Sài Gòn thế kỉ XIX. Ngang dọc ngược xuôi, ông được gọi bằng biệt danh “miễn tử lưu linh”. Không ai khác là Hai Miêng công tử nổi tiếng hào hiệp của đất Nam Bộ.

Con không giống cha là như cây đắng sinh trái ngọt
Hai Miêng tên thật là Huỳnh Công Miêng, sinh năm 1862. Ông là con trai của lãnh binh Huỳnh Công Tấn – một tên tay sai bán nước, là trợ thủ đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các nghĩa quân (kẻ đã chỉ điểm cho Pháp sát hại Bình Tây Nguyên soái Trương Định). Lãnh binh Tấn như u nhọt trong mắt người dân Nam Kỳ.
Năm 17 tuổi, Hai Miêng sang Pháp du học tại trường La Seyne trong 4 năm. Dù không đỗ đạt gì nhưng nói trôi chảy tiếng Pháp nên khi về nước cậu Hai Miêng được làm thông ngôn, sau làm tri huyện – chức quan đứng đầu một huyện. Ý đồ đào tạo Hai Miêng thành tay sai giống như cha cậu, Pháp cho cậu phục vụ dưới trướng Tổng đốc Trần Bá Lộc. Nhưng sự tình lại trái ngược với âm mưu của Pháp. Khi Bá Lộc đem quân dập tắt khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng ở Khánh Hòa, Hai Miêng cũng có mặt. Tận mắt chứng kiến tổng đốc dùng mẹ Mai Xuân Thưởng để ép quy phục, vốn tính cương trực, ghét thủ đoạn, cậu Hai cáo quan, tìm đến tháng ngày phiêu diêu tự tại, ngồi ghe chu du khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Kế thừa gia sản đồ sộ của cha để lại, Hai Miêng vô cùng chịu chơi, coi tiền như rác. Cậu tiêu tiền rộng rãi, không tính toán với anh em, bạn bè và những người xung quanh nên được trọng vọng. Thú tiêu khiển của cậu mỗi ngày là đi đá gà, uống rượu, hối me (một hình thức cờ bạc)… Biệt danh “miễn tử lưu tinh” của cậu xuất phát từ việc được đặc cách – không phải đóng sưu thuế, đi đâu cũng không lo bị “hỏi giấy”.
Một thân võ nghệ cao cường, côn quyền, múa kiếm đều rất thông thạo, cùng với tính cách trượng nghĩa, trên đường ngao du, thấy chuyện bất bình là cậu Hai Miêng sẽ không chịu trơ mắt đứng yên. Dù kẻ gian tà, xấu xa ở địa vị nào, cậu Hai cũng không hề kiêng nể hay run sợ. Trong dân gian vẫn truyền miệng những chiến tích hảo hán của Hai Miêng.

Tương truyền ngày đó Pháp cho đào ao giữa trường đua ngựa, người dân tỉnh Gò Công phải chịu cảnh lao dịch. Một lần Hai Miêng đi ngang qua thấy dân phu làm việc nặng nhọc còn bị đánh đập dã man. Nộ khí xung thiên, cậu nhắm thẳng đầu tên cai mã tà mà đấm đá, những tên lâu la đều bị bạt tai. Là một tay quái chiêu, vị công tử giang hồ bắt bọn quan quân đội đất thay dân chạy lên chạy xuống. Cậu thẳng tay quất roi vào đám cường quyền, dân phu Gò Công được cởi mở nỗi lòng. Kể từ đó họ bớt bị ức hiếp.
Thưở ấy, ở Bạc Liêu có hai tên địa chủ là Thời và Vận. Trong đó, ông Thời có con gái tên Hai Sáng, cậy uy của bố nên thái độ hống hách, coi thường dân nghèo nên không ai dám nói đụng đến tên cô. Nào phải vua chúa mà nhân dân sợ đến mức tránh tên húy của cô, các từ “buổi sáng”, “hồi sáng mai” đều phải đổi sang “buổi sớm”, hay đọc chệch là “sớm mơi”. Biết chuyện, khi đi thuyền ngang nhà địa chủ Thời, cậu Hai Miêng đã bắt vị lệnh nữ của ông trói trên cột buồm. Biết tiếng cậu Hai, ông Thời phải đích thân xuống thuyền xin tha và chuộc con gái bằng cả bao tiền. Từ đó, đám địa chủ trong vùng đều bớt hung hăng với dân làng.
Với người Pháp, Hai Miêng cũng chẳng tha! Cậu Hai ngang nhiên tống tiền quan tham biện tỉnh Mỹ Tho mỗi khi bí tiền. Vuốt mặt phải nể mũi, dè chừng bóng ông lãnh binh, các quan Tây miễn cưỡng phải đưa tiền, có người thành lệ, khi thấy mặt cậu Hai liền bảo: “Tiền dưới kho cậu xuống mà lấy”.
Tử nạn
Hành hiệp giang hồ nên cậu Hai gây thù chuốc oán cũng nhiều. Cô “Hai Sáng” vẫn giữ trong lòng mối hận năm xưa bị trói trên cột buồm. Năm 1899, người phụ nữ này đã cho 40 tay đâm thuê chém mướn phục kích Hai Miêng. Dù võ công thâm hậu nhưng thân cô thế cô nên cậu Hai phải bỏ mạng khi mới 38 tuổi.

Đến tận ngày nay, người dân Sài Gòn vẫn thuộc lòng câu ca “ Nam Kỳ có cậu Hai Miêng, con quan lớn Tấn ở miền Gò Công. Cậu Hai là bực anh hùng, ăn chơi đúng bực anh hùng liệt oanh! Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh”. Là một hình tượng ngang tàng, bất khuất trong thời loạn, lại qua đời khi còn trẻ, nhân dân quanh vùng Cầu Muối đã đưa bài vị cậu vào thờ cúng ngay trong ngôi đình của làng để tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn.