
|
Mục Lục
Chúa Nguyễn Hoàng và công cuộc Nam tiến lịch sử
Thời đại các chúa Nguyễn ở Đàng Trong là bản lề cho vương triều Nguyễn sau này, dù bị gián đoạn hơn hai thập kỉ trong cuộc đấu tranh phân quyền với nhà Tây Sơn. Người cha đẻ của Đàng Trong chính là chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Trong giai đoạn cực kì hiểm nghèo, khó khăn trùng điệp, ông đã gây dựng nên cơ đồ cho các chúa Nguyễn và kể cả nhà Nguyễn sau này, ông có những đóng góp lớn với lịch sử nước nhà, đặc biệt là công cuộc mở mang bờ cõi.
Dòng dõi trung thần nhà Lê
Nguyễn Hoàng sinh ngày 28 tháng 8 năm 1525, khi mà nhà Lê đang trong những bước suy thoái trầm trọng. 2 năm sau, Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê. Trong số các trung thần nhà Lê chạy sang những nước láng giềng lánh nạn, chờ cơ hội thuận lợi sẽ kéo quân trở về phục hận cho nhà Lê, có quan Hữu Vệ Điện Tiền Tướng quân An Thanh Hầu Nguyễn Kim. Ông chính là cha đẻ của Nguyễn Hoàng.
Khi chạy sang Ai Lao, Nguyễn Kim được vua Xạ Đẩu giúp đỡ, cho mượn đất để Sầm Châu dựng bản doanh, chiêu mộ quân binh phù Lê diệt Mạc. Được tạo điều kiện thuận lợi, Nguyễn Kim lập tức tìm kiếm con cháu nhà Lê để lo việc khôi phục. Cuối cùng, ông đã tìm được Hoàng thất Lê Duy Ninh, tôn lên làm vua, hiệu là Lê Trang Tông.
Những cái chết bất thường của người thân
Ông vua đầu tiên của thời Lê Trung hưng đã giao hết binh quyền cho Nguyễn Kim và phong ông làm Thái sư, tước Hưng Quốc Hầu. Dưới trướng Nguyễn Kim quy tụ nhiều tướng trẻ tài ba, nổi bật lên cái tên Trịnh Kiểm, sau này trở thành con rể của ông.
Với sự phò tá hết mình của Nguyễn Kim và quân sĩ, thế lực nhà Lê đã áp đảo họ Mạc. Trước tình thế này, Quan Tổng Trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đã dùng ngụy kế, xin hàng, giả vờ thuần phục, lấy được lòng của vua Lê và qua mặt Nguyễn Kim. Vị trung thần này không thể ngờ kẻ bá vai chén tạc chén thù với mình đã ra tay hạ độc, khiến ông chết trong đau đớn.
Nhạc phụ qua đời, vua Lê Trang Tông không có người nối dõi, mọi quyền hành của nhà Lê đều nằm gọn trong tay Trịnh Kiểm, đây là mối lo ngại với bá quan văn võ trong triều. Trịnh Kiểm muốn tiếm ngôi nhưng trước lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông ta đã đi tìm cháu huyền tôn (cháu 4 đời) là Duy Bang (cháu gọi Lê Thái Tổ bằng chú) để lập làm vua ( Lê Anh Tông). Lúc này, con trai trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông đã được tập ấm là Lãng Xuyên Hầu và được phong tả tướng. Những người thân tín của Nguyễn Kim tính đến khả năng chuyển giao quyền hành lại cho Nguyễn Uông… và có lẽ Nguyễn Uông đã trở thành cái gai trong mắt Trịnh Kiểm.
Một hôm, Nguyễn Uông bỗng nhiên lăn đùng ra chết. Người em út Nguyễn Hoàng linh cảm đây là một âm mưu diệt cỏ tận gốc, ông lo ngại bản thân mình sẽ là đối tượng bị hạ sát tiếp theo của màn kịch chính trị, và cũng tìm đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin một lời chỉ dạy.
Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân
Đó là lời sấm truyền cho dòng họ chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nguyễn Hoàng nhờ chị ruột Ngọc Bảo xin anh rể cho vào trấn thủ ở Thuận Hoá (là khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế ngày nay). Thuận Hóa vốn là nơi xa xôi, đất đai cằn cỗi, Trịnh Kiểm cho rằng Nguyễn Hoàng đi xa sẽ giảm bớt một thế lực đối trọng nên tâu vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ.
Tháng 10 năm 1558, Nguyễn Hoàng đã cùng gia quyến và những tướng sĩ thân tín thực hiện hành trình Nam tiến, mà chính ông cũng không thể biết được rằng cuộc nam tiến lịch sử này đã gây dựng nên cơ đồ cho các con cháu ông sau này
Hào quang phát xạ nơi “Ô châu ác địa”
Sau chuỗi ngày dong duổi, đoàn quân Nam tiến dừng chân ở cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt). Cũng chính nơi đây, Nguyễn Hoàng đã cho quân binh của mình đóng trại ở Gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Đăng Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Như đã giới thiệu ở trên, miền đất Thuận Hóa lúc bấy giờ hoang sơ, nguyên bản, và nghèo nàn, tạo điều kiện cho bọn cướp biển, giặc cỏ hoành hành. Không những thế, Nguyễn Hoàng còn phải đối mặt với các lực lượng quân nhà Mạc, Chiêm Thành, Chân Lạp thường xuyên đánh phá. Chinh phục mảnh đất này quả là một thử thách lớn với Nguyễn Hoàng.
Thế nhưng, ngày từ lúc mới đặt chân đến đây, Nguyễn Hoàng đã hội tụ được yếu tố “nhân hòa”: Lưu thủ Thuận Hóa – Tống Phướng Trị đã tìm đến để vái chào Nguyễn Hoàng , và dâng lên cho Nguyễn Hoàng bản đồ và sổ sách trong xứ, xin được một lòng phò tá. Nhân dân địa phương cũng hết sức vui mừng khi hay tin có một vị quan lớn vào trấn thủ xứ sở của mình, nên đã đón tiếp quan Trấn thủ vô cùng trọng thể. Từ đây, Nguyễn Hoàng được tôn xưng ở ngôi vị Chúa Nguyễn.
Với quyết tâm cải hóa miền đất này, vị chúa Nguyễn đầu tiên đã có những chính sách rất hợp lí nhờ tài tổ chức của mình và sự giúp sức của các quan dưới trướng, đặc biệt là Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.
Nguyễn Hoàng đã cho dân tự do khai hoang lập hóa. Người nào khai khẩn được bao nhiêu thì được quyền sở hữu đất ấy, và cũng chính nhờ vào chính sách khuyến khích cùng với sự giúp đỡ của chính quyền trong việc khai hóa đất đai mà lãnh thổ dần dần được rộng. Năm 1597, Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh dẫn đầu đội ngũ khoảng 4000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất từ đèo Cù Mông (Bắc Phú Yên) đến đèo Cả (Bắc Khánh Hòa). Chuyến khai hoang này hình thành nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn, sông Cái.
Đồng thời, Nguyễn Hoàng cũng chú trọng việc chiêu mộ hiền sĩ. Ông còn giảm bớt gang nặng cho dân bằng cách giảm thuế, việc sai dịch cũng được hạn chế tối đa, chỉ trừ những trường hợp thực sự cấp bách.
Sát nhập những vùng đất mới
Điều Nguyễn Hoàng lo ngại đã thành sự thực – năm 1578, Chiêm Thành cất quân đến quấy nhiễu.Vâng lệnh chúa, Lương Văn Chánh mang quân tiến đến sông Đà Diễn, Hoa Anh đánh chiếm thành An Nghiệp, là một trong những kinh thành đồ sộ và kiên cố nhất trong lịch sử Chăm Pa.

Năm 1611, Chiêm Thành tiếp tục càn quấy vùng biên giới Hoa Anh. Lần này, chúa Nguyễn cử tướng Văn Phong đi dẹp. Vua Chiêm Thành- Po Nit phải rút quân xuống phía Nam đèo Cả. Kết quả là Hoa Anh trở thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân cửa nước Nam.
Còn một khu vực “nóng” được bổ sung vào quỹ lãnh thổ không thể không nhắc đến – quần đảo Hoàng Sa. Lịch sử không ghi chép rõ thời gian, chỉ biết hai gia tướng người Việt gốc Chăm của Tĩnh Công Nguyễn Kim là Vũ Thì An và Vũ Thì Trung đã giúp Nguyễn Hoàng chiếm hữu Bãi Cát Vàng (tên gọi thời đó của Hoàng Sa) – lúc này mới chỉ là một vùng đất vô chủ mà không một nước nào phản đối hay bảo lưu.
Qua đời
Năm 1613, Chúa tiên lâm bệnh nặng, ông cho gọi người con thứ sáu của mình là Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên từ Quảng Nam về để kế vị và căn dặn:
- Nếu Bắc tiến được thì tốt nhất, bằng không giữ vững đất Thuận Quảng và mở mang bờ cõi về phía nam.
- Đất Thuận Quảng này phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và Bi Sơn, thật là đất của người anh hùng dụng võ. Vậy con phải biết thương yêu dân, luyện tập binh sĩ để xây dựng cơ nghiệp muôn đời.
Ông cũng dặn với các cận thần lúc hấp hối bên giường bệnh:
- Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp
-
Mộ chúa tiên Nguyễn Hoàng trong lăng Trường Cơ
Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Thuận Quảng 40 năm, thọ 89 tuổi, vua Lê ban tước Cẩn nghĩa công, thụy là Cung Ý. Ban đầu mộ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng táng ở vùng núi Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong(nay thuộc huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị), về sau được cải táng lăng mộ chuyển về Núi La Khê tức Khải Vận Sơn (nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ban đầu Chúa Tiên Nguyễn Hoàng được thờ tại Chùa Long Phước (nay thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), về sau được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên phối thờ cùng Tĩnh Công Nguyễn Kim tại Chùa Thiên Mụ ở Phú Xuân (nay là Thành phố Huế) Năm 1804, vua Gia Long (1780 – 1820) cho dựng Thái Miếu rộng mười ba gian để thờ các Chúa Nguyễn và các công thần đời trước, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng Hoàng hậu được thờ ở áng chính giữa. Vua Gia Long hoàng đế nhà Nguyễn truy phong cho Nguyễn Hoàng miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Triệu Cơ Tùy Thống Khâm Minh Cung Úy Cần Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ hoàng đế và miếu hiệu là Thái Tổ.