Hơn ngàn năm trước, nhà Lý đã thực hiện chuyến dời đô lịch sử từ Hoa Lư về Thăng Long, đồng thời cũng làm nên một thời kì thịnh trị của văn hóa Phật giáo. Trong số các công trình kiến trúc để lại ở kinh kì, chùa Láng có lẽ là ngôi chùa có sức sống bất diệt trong tâm khảm người dân Hà thành với những nét độc đáo hiếm thấy.
Mục Lục
Chùa Láng – bảo tàng tôn giáo của Thăng Long

Ngôi chùa và câu chuyện hóa thân huyễn hoặc đất Thăng Long
Chùa Láng hiện nay là một di tích lịch sử, chùa nằm tại Phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, Q Đống Đa, Hà Nội
Chùa Láng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, sống vào thời vua Lý Nhân Tông, tu ở chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn, thuộc phủ Quốc Oai, Sơn Tây ngày nay. Đồng thời ông cũng là Tăng Đô Sát trong triều đình. Tương truyền ngôi nhà xưa của ông nằm ở phía Nam làng An Lãng, chính là chùa Láng ngày nay.
Cuộc đời của vị Thiền sư này có nhiều thuyết và trải qua nhiều biến cố. Vào thuở thiếu thời, trước cái chết oan uổng của người cha bởi một nhà pháp thuật cao tay, chàng trai Từ Đạo Hạnh đã quyết tâm phục thù bằng cách đi vào con đường lãnh ngộ Phật pháp. Ông chuyên tâm nghiên cứu bộ kinh Đại bi đà la tới mức đọc đi đọc lại mười vạn tám nghìn lần. Đây là bộ kinh vô cùng công phu, nói về giáo lý của nhà Phật và cũng chứa đựng cả những thuật pháp cao siêu, mà phải là người thông minh, có trí lực, lại kiên trì, mới có thể lĩnh hội.

Sau khi rửa được nợ máu, có lẽ là thời điểm Từ Đạo Hạnh chính thức dứt được những ai oán phàm trần. Ông đi chu du khắp chốn để tìm lại dấu tích của Phật và có những cuộc hạnh ngộ với các vị cao tăng. Sau này, ông đã giúp Sùng Hiền Hầu – em trai của vua Lý Nhân Tông có con trai. Khi phu nhân Sùng Hiền Hầu đến ngày hạ sanh, Từ Đạo Hạnh được người báo tin, bèn tắm rửa thay quần áo, căn dặn học trò rằng: “Mối nhân duyên của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa ở đời, tạm làm đế vương, đến khi già chết làm nhị thập thiên tử. Nếu thấy thân thể tan ra đất, đó là ta đã thâm nhập vào bùn đất không còn ở trong cõi sống chết nữa. Vì vậy, các con chớ nên khóc làm gì”. Theo truyền thuyết, con trai của Sùng Hiền Hầu, tức Dương Hoán chính là kiếp sau của Từ Đạo Hạnh, được vua Nhân Tông nhận nuôi và trở thành người nối dõi – Lý Thần Tông.

Đệ nhất tùng lâm Tây Thăng Long
Chùa Láng được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, thời vua Lý Anh Tông, còn gọi là chùa Cả, tên chữ Hán là Chiêu Thiền tự. Lý giải của tên chữ này được thể hiện ngay trong văn bia “Tạo lệ” niên đại Thịnh Đức thứ 4 (1656) như sau: Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư đại thánh nên gọi là Thiền. Người Pháp gọi là Pagode des Dames.

Một ngôi chùa mang cái tên đẹp và tao nhã, gắn với khung cảnh vô cùng trữ tình. Cũng trong văn bia Thịnh Đức xưa cũng đã ghi nhận Chiêu Thiền Tự là “danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp”. Về phong thủy thì “Khí tốt phượng thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp”.

Quy mô của chùa Láng vừa đủ 100 gian to nhỏ. Trải qua nhiều lần trùng tu, cổng chùa (tam quan) phảng phất hơi hướng nghi môn của cung vua phủ chúa thời Lê trung hưng, bao gồm bốn cột vuông với ba mái nhỏ uốn cong gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên, phía dưới có đôi voi phục hai bên. Hoành phi chính giữa cổng đề 4 chữ “Thiền thiên khải thánh” (trời thiền sinh thánh), bên phải đề “Tuệ Nhật”, bên trái đề “Từ Vân”.

Giá trị kiến trúc nổi bật của ngôi chùa cổ này chính là nhà bát giác hay còn gọi là nhà Bảo Cái. Đây là nơi đặt kiệu Thánh vào trước ngày hội, nằm ở giữa sân chùa, với mái chồng, 2 tầng, 16 mái được lợp ngói vẩy với những đầu đao cong vút, uốn lượn rất thanh thoát. Đỉnh nóc được đắp hoạ tiết 4 con phượng đang múa với đường nét mềm mại. Tầng mái bên trên đắp 8 con rồng cuộn, biểu tượng cho 8 đời vua Lý.
Trong không gian cổ thụ giăng đầy, lại hiện lên một công trình hài hòa như vậy, quả không hổ danh Thăng Long đệ nhất tùng lâm
Dấu ấn sử xanh đất Thăng Long đô hội
Trong chùa có 198 pho tượng lớn nhỏ. Như một “cặp bài trùng”, tọa lạc ở hậu cung là tượng vua Lý Thần Tông (1128 – 1138) ngồi trên ngai vàng (tạc bằng gỗ mít) và pho tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn bên ngoài. Hai bức hoành phi treo phía trên có tựa chữ Hán “Lý Triều Thánh Đế” và “Thánh Cung Vạn Tuế”.
Quả chuông “đại hồng chung” và một khánh lớn bằng đồng đúc năm 1738 được đặt ở hai lầu gác.

Ngoài ra, Chùa Láng còn có 12 đạo sắc phong của các vua triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn, cùng 15 tấm bia đá. Trong đó tấm bia “Tạo lệ” cao 1,4 mét, rộng 0,8 mét, được coi là một kiệt tác điêu khắc nghệ thuật đá thời Lê. Trán bia có hoa văn lưỡng long chầu nguyệt, hai diềm bia chạm phượng chầu hoa sen và hai tiên nữ với đôi cánh rướn bay lên trời xanh. Trước đây, chùa còn cả cuốn kinh bằng đồng lá (bát diệp đồng thư) của vua Lý thường dùng để tụng niệm, buồn thay bị thất lạc.
Với giá trị lịch sử như vậy, hằng năm, cứ vào ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch, hội chùa Láng được tổ chức, song song với hội Chùa Thầy. Bởi vậy dân gian có câu: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba – Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy”. Trước đây còn có tục rước kiệu lội qua sông Tô lên làng Dịch Vọng Tiễn để thăm mẹ Từ Đạo Hạnh được thờ ở chùa Hoa Lăng. Cứ như vậy, chùa Láng còn mãi với linh hồn của lòng hiếu thuận và đức hy sinh!