Ngày nay, khi nhắc đến chùa Báo Ân của kinh đô Thăng Long, có lẽ đa phần chỉ nhớ tới ngôi chùa nằm ven dòng sông Thiên Đức cổ thuộc địa bàn thôn Quang Trung, xã Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội. Vén bức màn lịch sử, giữa chốn đô thị Hà thành tấp nập, từng có một ngôi chùa cùng tên như một đóa sen tỏa hương Thiền, làm đời thanh tịnh và cảnh sắc thêm phần tao nhã. Một công trình oằn mình với tang thương, chứng kiến một thời kì khổ đau của dân tộc Việt!
Mục Lục
Chùa Báo Ân đóa sen kiêu hãnh chốn kinh kì Thăng Long xưa

Ngôi chùa bề thế bậc nhất tọa giữa Thăng Long
Chùa Báo Ân được xây dựng vào khoảng thời gian 1842, tức khoảng thời gian trị vì vua Thiệu Trị – một dấu ấn hiếm hoi của vương triều Nguyễn trên đất Thăng Long xưa. Người chủ trì việc xây chùa là Quan Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai nên người đời còn lấy phẩm hàm vủa vị quan này để gọi chùa bằng hai tiếng Quan Thượng.
Chùa Báo Ân là minh chứng điển hình cho dòng tư tưởng “Cư Nho Mộ Thích” thịnh hành trong thời Nguyễn: tức là học theo đạo Nho nhưng vẫn sùng bái Phật giáo. Bản thân quan chủ trì Nguyễn Đăng Giai cũng xuất thân từ Nho gia vọng tộc. Ông nội là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hoành, còn thân phụ ông chính là là thiếu sư Nguyễn Đăng Tuân – thầy giáo của vua Thiệu Trị.
Chùa được xây dựng trên nền xưa là đất làng Cựu Lâu ( tập hợp từ ba làng Cựu kho súng, Hậu Lâu, Hậu Bi khoảng cuối đời vua Minh Mạng). Nơi đây vốn là phạm vi của khu vực lầu Ngũ Long do chúa Trịnh Doanh (1740-1767) cho dựng để làm nơi hóng mát tiết hè. Để xóa bỏ tàn tích của chúa Trịnh, năm 1787, Lê Chiêu thống đã ra lệnh đốt phủ chúa và những gì có liên quan.

Nằm trên khu đất gần 100 mẫu, chùa Báo Ân được coi là công trình Phật giáo có quy mô bậc nhất xứ Thăng Long bấy giờ với 36 nóc và 180 gian, kiến trúc phức tạp và cầu kỳ. Chùa còn sở hữu một quần thể tượng lớn, nhiều bức được sơn son thiếp vàng hoặc khảm xà cừ, tạo hình sinh động: “Bước vào chánh điện, quy mô rộng lớn, giữa những hàng cột vàng son lộng lẫy, có đến trên hai trăm pho tượng thần Phật sắp hàng. Chính giữa là bàn thờ Đức Phật Thích Ca, cao 1m50, dát vàng từ đầu đến chân, ngồi trên tòa sen, đôi mắt lim dim nhìn xuống lòng bàn tay đặt ngửa trên đầu gối. Hai đại đệ tử đứng hầu hai bên” (nguyên lời miêu tả của bác sĩ Hocquard).
Vẻ đẹp của chùa Báo Ân đã khiến nơi đây được coi là động tiên với lời truyền miệng: “Phong quang cảnh trí trăm đường – Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng – Rõ mười cửa động tưng bừng – Đền vàng tỏa ngọc chất từng như nêm”.
Chùa cổ Thăng Long với hàm ý sâu xa của Phật giáo
Ngay từ cái tên Báo Ân, ta đã phần nào hiểu được giá trị nhân văn tốt đẹp từ một công trình tôn giáo. Trong đạo Phật có “tứ trọng ân” (bốn ơn lớn cần khắc ghi), đó là: ân Tổ quốc, ân đấng sinh thành, ân tam bảo, ân chúng sinh. Cũng từ đây cái tên Báo Ân gợi nhắc mỗi người về thuyết nhân quả, dăn dạy chúng ta hướng về nguồn cội: ai sống có trước có sau thì được hưởng kiếp người, kẻ vong ơn bội nghĩa ắt bị quỷ sứ trị tội.

Trước nay, chúng ta chỉ biết chùa có tên khác là Liên Trì bởi hồ trong chùa rất nhiều sen. Thế nhưng, truy tìm nguồn cội mới biết được cổ nhân thâm thúy nhường nào. Liên Trì được chiết xuất từ bài kệ trong kinh A Di Đà: “Liên Trì Hải Hội, Di Đà Như Lai, Quan Âm, Thế Chí tọa liên đài, Tiếp dẫn thượng kim giai, đại thệ hoằng khai, phổ nguyện ly trần ai, Nam Mô liên trì hội thượng, Phật Bồ Tát Ma Ha tát”. Một cõi Niết bàn ngay chốn trần gian, thể hiện toàn bộ ngôi chùa là một đoá sen lớn, ý nghĩa tầng thế giới siêu thoát trên đài sen tụ hội với đủ các chư vị Bồ tát và Phật Di lặc. Qua Tháp Hòa Phong là “Đại hùng bửu điện” được lấp đầy không gian bằng nhiều pho tượng Phật, Bồ Tát đặc sắc .Hai bức ván vách, chạm trổ cảnh “Thập điện Diêm Vương”, mô tả sự khổ báo trong mười địa ngục vô cùng sống động. Do đó Người Pháp thì gọi đây là chùa Khổ Hình (Pagode des Supplices).

Dấu xưa còn lại – Thăng Long thành hoài cổ
“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt – Nước còn cau mặt với tang thương”, xin được mượn hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trước nỗi đau mà chùa Báo Ân phải hứng chịu khi bị bàn tay thực dân dày vò. Tháng 11/1885, viên Toàn quyền người Pháp là De Lanessan ra lệnh đốt các nhà lá quanh hồ Hoàn Kiếm. Đêm 22 đến ngày 28/1/1886, 300 nóc nhà ở Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Mắm, Hàng Thùng, Hàng Vôi cũng như cả thôn Cự Lâu chìm trong biển lửa. Chùa Báo Ân trơ trọi cũng không thoát khỏi sự bạc bẽo của định mệnh. Vào năm 1888, để xây nhà bưu điện, Pháp đã phá hủy chùa.

Di tích lịch sử duy nhất may mắn còn lại với thời gian chính là Tháp Hòa Phong. Theo lời của nhà nghiên cứu André Masson: “trong vô số “tháp, tháp chuông, hàng hiên lôi cuốn du khách từ rất xa”,…chỉ còn lại tháp Hoà Phong Tháp, tháp của gió thuận. Công trình nhỏ bé này rất đơn giản nhưng có tỷ lệ duyên dáng. Tháp gồm phần dưới bằng gạch, mỗi mặt trổ một cửa, phần trên là tháp xây trên sàn bốn góc trang trí bốn con nghê. Nằm bên bờ hồ, tháp là điểm khởi đầu đường vào chùa.